Hôm qua nhảy lên gác xép tìm vở đại lớp 10 để ôn phần bất phương trình. Vở thì không tìm được, nhưng tìm được rất nhiều thứ quý giá. Trong đó có những tập kiểm tra mình cất giữ từ những năm cấp 1, cấp 2. Lục lại và ngồi đọc, thì ra, cô bé yêu học văn ngày ấy vẫn luôn ở đây. Ngay đây.

Đây là một bài viết hồi lớp 10 mà mình khá ưng ý.

Đề bài: Thuyết minh về phương pháp học môn anh chị yêu thích.

Bài làm:

Văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống từ xưa đến nay. Chúng ta biết đến văn chương từ thuở mới lọt lòng qua lời ru của mẹ, câu ca dao của bà. Văn chương theo ta trong suốt quãng thời gian đi học cho đến lúc về già. Nhưng hiện nay  thái độ của phần lớn giới trẻ là thờ ơ hay thậm chí ghét bỏ. Thiết nghĩ, phương pháp học chưa hiệu quả cũng chính là lí do để nhiều bạn thấy chán ghét môn học này. Với tôi cách học văn hiệu quả nhất chính là học từ cuộc sống.

Tôi còn  nhớ mãi một câu nói của cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của mình: “Học văn cũng chính là học làm người”. Đúng vậy, muốn học văn, trước tiên cần học những điều vô cùng đơn giản trong cuộc sống hay cũng chính văn học đem đến cho chúng ta những mảng màu khác nhau về mọi điều xung quanh.

Học văn, đầu tiên là cần có vốn từ ngữ, ngữ pháp và khả năng diễn đạt. Không phải tự nhiên mà chúng ta phải học từ, học cách viết câu văn trước khi học viết một bài văn. “Văn chương là môn khoa học-nghệ thuật của ngôn từ”. Muốn viết văn cần có ý tưởng. Muốn diễn đạt ý tưởng thì cần từ ngữ, câu văn phù hợp, nếu không, ý tưởng có hay cũng không thuyết phục được người đọc, người nghe. Hơn nữa, cách diễn đạt, cách đặt vấn đề cũng làm nên cái “duyên” hút mọi người vào bài văn, tạo ấn tượng tốt. Không chỉ vậy, diễn đạt đúng và đủ cũng vô cùng quan trọng. Nếu ý văn hay mà câu cú viết sai ngữ pháp, từ dùng sai ngữ cảnh, nghĩa của từ không phù hợp hay diễn đạt quá rườm rà, sẽ gây ác cảm và mất hứng thú khi đọc bài văn. Để luyện được khả năng diễn đạt, trước tiên là cần biết cách sử dụng các kiểu câu, các phép tu từ, … Sau đó là tập vận dụng chúng vào bài văn, dần dần từ các kiểu câu đơn giản đến kết hợp nhiều biện pháp tư từ hiệu quả và linh hoạt để đạt được hiệu quả biểu đạt cao. Cách diễn đạt logic cũng được gọt giũa qua những lời nói chuyện hằng ngày, qua việc học tập các môn học tư duy như toán , lý, hóa, … Thật không sai khi nói môn văn là một môn khoa học! Ngoài ra vốn từ cũng cần được bổ trợ thường xuyên, Không chỉ bằng những giờ học tiếng việt hay luyện từ và câu trên lớp, ta còn có thể trau dồi vốn từ bằng cách đọc sách. Sách giáo khoa, sách tham khảo môn văn hay cả những truyện ngắn, những tác phẩm tiểu thuyết, kịch, thơ… nổi tiếng. Chúng không chỉ mang đến những phút giây thư thái mà còn góp phần giúp chúng ra mở mang thêm kho từ ngữ cũng như cách diễn đạt hay, đi vào lòng người. Bằng ngôn từ chuẩn xác, câu cú phong phú linh hoạt, cách diễn đạt đủ và đúng, giàu hình ảnh, bài văn sẽ trở nên thật tinh tế và hấp dẫn. Và cũng chính cách hiểu sâu, biết cách vận dụng cách dùng của từ, câu, biện pháp nghệ thuật, chính là công cụ giúp chúng ta tìm hiểu được kĩ càng và sâu sắc giá trị của một tác phẩm văn học.

Học văn, hơn cả là cần tình cảm, trái tim, tâm hồn. Để hiểu một tác phẩm văn học, đâu phải chỉ đọc và hiểu nội dung là đủ. Ta còn cần thấu hiểu, đồng cảm với tác phẩm, để cảm nhận được những tình cảm mà tác giả gửi gắm qua những đứa con tinh thần của họ. Văn chương là nơi ghi dấu ấn của thời đại, là tư tưởng của xã hội đương thời, hay là suy nghĩ, tâm huyết của tác giả. Mỗi lần đọc một tác phẩm văn học, ta cần phải nắm rõ được hoàn cảnh ra đời, cuộc đời của tác giả, đặt tác phẩm trong mối quan hệ với giai đoạn lịch sử đương thời, với trào lưu văn học để hiểu rõ hơn giá trị nhân văn mà tác phẩm hướng đến. Chúng ta cần sự tinh tế, nhạy cảm để không bỏ qua những chi tiết nghệ thuật. Mỗi chi tiết văn học như một ô cửa dẫn lối cho ta bước vào thế giới của tác phẩm, để ta cảm nhận được những vẻ đẹp hay những vết chàm, những niềm vui hay những bi kịch trong đó. Chúng ta còn cần cả sự linh hoạt nhạy bén để biết cách nhận biết những vấn đề mà tác giả muốn gửi gắm trong đó. Với văn xuôi, cần nắm bắt được diễn biến, nhân vật, giọng điệu, những sự kiện, chi tiết cao trào làm bật lên giá trị của tác phẩm. Với thơ, cần nắm được kết cấu, hình ảnh, cảm hứng, cách gieo vần, nhịp đặc sắc. Học văn như khám phá thế giới khoa học của tâm hồn, phải yêu, phải thích thì mới thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương.

Học văn, cũng cần vốn kiến thức thực tế, vốn sống, kinh nghiệm sống, chứ đâu chỉ có lãng mạn, bay bổng. Đứng trước một tác phẩm, một cuốn sách, ta cần phải biết đánh giá chúng. Hiện nay, thị trường sách vô cùng đa dạng, phong phú, sách tốt không thiếu và sách dở cũng vô vàn. Chúng ta phải biết nhìn nhận đâu là cuốn sách tốt và cần thiết, đừng để những cuốn sách dở và vô bổ làm lãng phí thời gian, gây ảnh hưởng không tốt tới thái độ, cách sống của bản thân mình. Ngoài ta, vốn kiến thức thực tế như là một tư liệu tốt để viết văn và học văn. Trước một đề văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học hay thuyết minh, nếu không có kiến thức trải nghiệm thực tế thì liệu chúng ta có thể làm nên một bài văn hay? Văn học xuất phát từ những tình cảm, những vấn đề của cuộc sống, vì thế ta cũng cần tự mình đúc kết những kinh nghiệm sống, bồi dưỡng những tình cảm đẹp, trong sáng cho mình để đồng cảm cùng văn học.

Cuối cùng, chúng ta cần thay đổi thái độ thờ ơ với văn học. Mỗi môn học đều có sứ mệnh riêng của mình. Hãy tạo cho mình cảm giác thoải mái và thích thú khi học văn, bằng cách xem văn chương như một phần tất yếu của cuộc sống, là một môn học giúp làm đẹp thêm tâm hồn của chúng ta và lấp đầy những mảng màu cuộc sống.

Cuộc sống thật kì diệu. Với phương pháp học hiệu quả và một định hướng tích cực với việc học văn, bạn sẽ cảm nhận được, văn chương đem đến cho chúng ta những giá trị tinh thần vô giá của cuộc sống./

Hết

Vẫn còn nhiều thứ muốn viết. Hôm nào đó rảnh hơn sẽ ngồi type tiếp vậy.  Bỏ 2 tiếng học toán hóa để ngồi đánh máy. Tự thấy mình thật ba chấm…

Có phải, mình đã chọn sai đường? Con người ta nhiều khi cũng thật lạ, chấp nhận sống vì cảm nhận của người khác, sống để mọi người xung quanh yên tâm và dễ chịu. Còn chính mình đang vật vã từng giây, từng phút thì lại hờ hững cho qua?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *