Khi được nhận đề bài về ngày vòng tròn, mình đã nghĩ ngay tới một bài viết của chị Chi, người mà mình đã luôn ngưỡng mộ suốt từ những năm tháng cấp 2. Mình xin phép được lược dịch một phần bài viết của chị (từ tiếng Anh sang tiếng Việt). Bài viết gốc mình sẽ dẫn link ở cuối bài viết.

“Mình đã không dừng lại để suy ngẫm về những điều đã qua trong một thời gian rất dài.

Trong 6 tháng qua, mình chỉ ngủ, rồi lại vội vã đi làm, hoàn thiện công việc này rồi đến công việc khác, mình và đồng nghiệp cùng nhau hoàn thành những cột mốc đáng nhớ, cho ra mắt những tính năng mới, và rồi mình lại đi ngủ để ngày hôm sau, tiếp tục đi làm. Nửa năm trời trôi qua nhanh như chớp mắt, hai tiếng đồng hồ thảnh thơi này thật sự là những phút giây nghỉ ngơi đáng giá không ngờ.

Dừng lại một chút, mình đang làm gì đây?

… Rồi một ngày, mình sẽ đủ trưởng thành và sẵn sàng để chăm sóc cho một sinh linh bé nhỏ. Và chúng sẽ lớn lên, trưởng thành như chính mình đã từng. Một ngày nào đó, mình sẽ cảm thấy thật an tâm để nói lời chào từ biệt với mọi người. Rồi mình sẽ già, thật già đến mức không còn có thể nhanh nhẹn như bây giờ được nữa. Và một ngày, mình sẽ nhắm mắt lại, để bóng tối trở thành vĩnh viễn.

Trong khoảnh khắc cuối cùng, mình sẽ nghĩ, bản thân mình của những năm 90 tuổi ấy, nhìn lại và nhớ về khoảnh khắc ngay lúc này, khi mà sự sống hữu hạn của chính mình hiện lên một cách chân thực nhất. Mình tự hỏi điều gì sẽ khiến mình cảm thấy tự hào. Mình tự nhủ, liệu mình có thể mạnh mẽ tuyên bố, mình đã sống một đời không uổng phí?

Ngày vòng tròn cũng là một cách để nhìn lại về những gì đã qua. Đó là ngày người ta sẽ không làm những việc hàng ngày mà ngồi nhìn lại những điều đã và đang làm để rút kinh nghiệm, để ghi nhận nỗ lực và ngồi lập kế hoạch cho những điều sắp tới.

Liệu có phải mọi người đều biết dừng lại vào ngày vòng tròn của mình?

Ngày vòng tròn, có thể cũng sẽ chỉ như tất cả những ngày bình thường khác. Có thể đối với người này, họ cần những ngày để chậm lại và suy nghĩ, nhưng có thể đối với người kia, họ chỉ cần vài giây lên kế hoạch là có thể thoái mái tiếp tục với cuộc sống. Hoặc cũng có thể đối với bạn, trong khoảng thời gian này, khi mọi việc diễn ra đều theo những kế hoạch đã có sẵn, bạn không cần những ngày vòng tròn để suy ngẫm quá lâu, nhưng cũng chính bạn,  trong những phút giây lạc lối, hoặc trong những ngày rảnh rỗi thoát ra khỏi guồng quay chóng mặt của cuộc sống, lại cần những ngày vòng tròn thật sự.

Nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều sẽ tìm được cách nào đó để dừng lại và suy ngẫm.

Việc dừng lại và suy ngẫm về những gì đã qua, cũng giống như việc nhìn vào một tấm gương và tự mô tả lại hình ảnh của mình trong đó. Đó là một cách để đánh giá, nhìn nhận lại cách học tập, làm việc, cách sống của bản thân mỗi người.

Nó giúp chúng ta vừa có thể phát triển những kĩ năng vừa có thể đánh giá sự hiệu quả của chúng, hơn là chỉ lặp đi lặp lại những gì chúng ta vẫn luôn luôn làm. Chúng ta phải đặt ra những câu hỏi, rằng chúng ta đã làm gì, vì sao chúng ta làm như vậy. Rồi quyết định xem, liệu có cách nào khác để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn không, và để áp dụng chúng trong tương lai.

Trong mọi tình huống, dù là ở nhà hay trong công việc, những suy nghĩ nhìn nhận về bản thân chính là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi. Chúng ta sẽ dựa vào đó để định hình những thay đổi mà chúng ta cần phải thực hiện, để có thể phát triển tốt hơn. (1)

Và bởi vậy, dù có bận rộn đến mức nào đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn sẽ tìm được cách để tự nhìn nhận lại chính mình, sau tất cả. Đó không chỉ là điều nên làm, mà còn trở thành nhu cầu thiết yếu cho quá trình hoàn thiện bản thân, phát triển chính mình.

Trái tim của chúng ta là một trong những ví dụ tuyệt vời nhất cho việc hoạt động không ngừng nghỉ nhưng vẫn biết cách nghỉ ngơi, thậm chí là nghỉ ngơi một cách cực kì khoa học và hiệu quả. Trong một chu kì co bóp kéo dài 0,49 giây thì có đến 0,31 giây tâm nhĩ và tâm thất thay phiên nhau nghỉ ngơi.

Cũng như tất cả mọi thứ khác, bận rộn với công việc hay nghỉ ngơi giải trí đều là những nhu cầu cần được xem trọng. Nhưng những ai có thể có thể học cách tận hưởng ngay cả trong công việc, những người không lãng phí thời gian của mình, họ đều cảm thấy được sống có ý nghĩa hơn rất nhiều.

“Tương lai,” – C.K.Brightbill đã nói – “sẽ không thuộc về những người được giáo dục, mà thuộc về người được giáo dục để sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách khôn ngoan.” (*)

Hãy tận dụng ngày vòng tròn của chính mình, bạn nhé!

Chú thích:

Link bài viết của chị Chi

https://chitong19xx.wordpress.com/2019/02/18/quarter-life-crisis/

Nguồn tham khảo:

(1) http://www.open.ac.uk/choose/unison/develop/my-skills/self-reflection

(*) Dịch từ “Flow” by Mihaly Csikszentmihalyi, chương 7, Sự lãng phí của thời gian rảnh rỗi (Chapter 7: The Waste of Free Time)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *