Bản dịch do mình tự thực hiện, nên có nhiều chỗ còn chưa hợp lý, mong mọi người nếu đọc thì góp ý thêm cho mình nữa nhé, mình cảm ơn mọi người thật nhiều <3
À thật ra mình định bao giờ dịch xong tầm 3-4 chương mình mới đăng, nhưng vừa rồi laptop bị hỏng, mình bị mất hẳn bài dịch của hai chương hơn 5000 chữ. Nên mình rút kinh nghiệm xương máu dịch xong sẽ đưa lên luôn. Vừa nhờ mọi người góp ý vừa không đi tong công sức lọ mọ bao nhiêu ngày 😀
Lời giới thiệu
230 năm trước, Aristotle đã kết luận rằng, hơn bất kỳ thứ gì khác, con người luôn luôn tìm kiếm hạnh phúc. Trong khi hạnh phúc được tìm kiếm bởi vì chính nó thì tất cả những mục tiêu khác – sức khỏe, sắc đẹp, tiền bạc và quyền lực – đều chỉ có giá trị vì chúng ta hi vọng rằng chúng sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Đã có rất nhiều đổi thay kể từ thời kì của Aristotle. Sự hiểu biết của chúng ta về thế giới của nguyên tử và những vì sao đã mở rộng ra ngoài sức tưởng tượng. Những vị thần của Hi Lạp chỉ còn như những đứa trẻ vô dụng nếu so với loài người hiện nay và sức mạnh mà chúng ta nắm giữ. Nhưng vẫn còn một vấn đề quan trọng nữa mà chẳng thay đổi gì nhiều qua hàng thế kỉ. Chúng ta chẳng hiểu hạnh phúc là gì nhiều hơn Aristotle, và trong khi chúng ta cố gắng học cách để giành được tình trạng hạnh phúc thần thánh đó (this blessed condition), có thể nhận thấy rằng chúng ta chưa hề có một bước tiến nào.
Mặc kệ việc chúng ta đang khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn, hay việc dù những người kém sung túc nhất bây giờ cũng được bao quanh bởi những thứ mà chỉ vài thập kỉ trước còn chưa từng được mơ ước tới (chỉ có một vài phòng tắm trong cung điện của Louis XIV (the Sun King), ghế ngồi còn hiếm thậm chí là ở những nhà giàu có nhất thời Trung cổ, hay không có một vị hoàng đế Roma nào có thể bật TV lên xem khi ông ta cảm thấy nhàm chán), và mặc dù với tất cả những kiến thức khoa học kỳ diệu mà chúng ta có thể tập hợp lại theo ý muốn, con người vẫn thường cảm thấy cuộc đời của họ thật đáng phí phạm, thay vì được sống một cách hạnh phúc đủ đầy thì chúng ta dành hàng chục năm trời để sống với nỗi lo sợ và sự buồn chán.
Liệu có phải vì số phận của loài người là mãi mãi không bao giờ thỏa mãn, ai cũng muốn có nhiều hơn những gì họ có thể có? Hay là sự phiền muộn lan tỏa ra khắp nơi khiến cho cả những khoảnh khắc quý giá nhất – kết quả của sự kiếm tìm hạnh phúc trở nên chua chát vì đặt nhầm chỗ? Mục đích của cuốn sách này là dùng một trong những công cụ của Tâm lý học hiện đại để khám phá câu hỏi cổ xưa đã tồn tại hàng trăm năm rằng: Điều gì khiến con người cảm thấy hạnh phúc nhất? Nếu chúng ta có thể tìm ra câu trả lời, có thể chúng ta có thể yêu cầu một cuộc sống mà trong đó hạnh phúc là phần chính yếu.
25 năm trước khi tối bắt đầu viết những dòng chữ này, tôi đã khám phá ra một điều mà phải mất toàn bộ khoảng thời gian từ lúc đó đến bây giờ để nhận ra rằng tôi đã tìm ra nó. Để gọi đó là một khám phá thì có thể hơi lầm, nhất là với những người đã nhận thức được điều đó ngay từ đầu (since the dawn of time). Dù vậy từ này vẫn sẽ phù hợp, bởi vì dù điều đó có thể đã được biết đến nhưng nó chưa hề được miêu tả hay giải thích một cách có lý thuyết theo một ngành khoa học uyên bác nào liên quan, trong trường hợp này là tâm lý học. Nên tôi đã dành ¼ thế kỉ tiếp theo đó để điều tra về hiện tượng khó nắm bắt (elusive) này.
Điều mà tôi đã tìm ra đó là hạnh phúc thì không phải thứ gì đó xảy ra một cách tình cờ. Đó không phải là kết quả của may mắn hay những cơ hội ngẫu nhiên. Đó không phải là điều gì đó mà tiền có thể mua được hay quyền lực có thể điều khiển được. Đó không phải là điều phụ thuộc vào những sự kiện diễn ra bên ngoài, mà hơn thế, nó dựa vào cách chúng ta giải thích những sự kiện đó. Hạnh phúc, thật sự thì đó là một trạng thái (condition) phải được chuẩn bị, phải được vun đắp, phải được bảo vệ một cách kín đáo bởi mỗi người. Chúng ta học cách kiểm soát những cảm nhận bên trong (inner experience) để có thể quyết định được cái chất của cuộc sống của chính mình, đó gần như là cách để chúng ta tiếp cận với hạnh phúc.
Tuy nhiên chúng ta không thể đạt tới sự hạnh phúc bằng việc chăm chăm đi tìm kiếm. “Hãy tự hỏi xem liệu mình có hạnh phúc không?” – J.S.Mill đã nói, “và rồi bạn sẽ thôi cảm thấy nó”. Chúng ta tìm thấy hạnh phúc không phải bởi việc chạy thẳng đi tìm hạnh phúc, mà là bằng việc tập trung hoàn toàn vào từng chi tiết của cuộc sống, dù điều đó tốt hay không. Viktor Frankl, một nhà tâm lý học người Áo đã tổng kết lại rất hay trong lời mở đầu của cuốn sách “Đi tìm lẽ sống”[1] của mình: “Đừng nhắm vào thành công – vì càng nhắm vào,càng muốn đạt tới nó, thì ta càng dễ đánh mất nó. Vì thành công, cũng giống như hạnh phúc, không phải là để theo đuổi; nó phải sinh ra như một tác dụng phụ (side effect) không hề có dự tính trước của việc một ai đó cống hiến hết mình cho quá trình ấy hơn là cho chính bản thân họ.”
Vậy làm thế nào để chúng ta đạt được mục tiêu khó nắm lấy này khi mà không thể giành lấy một cách trực tiếp? Nghiên cứu của tôi đã trải qua ¼ thế kỉ để thuyết phục tôi rằng vẫn có cách. Đó là một con đường quanh co mà bắt đầu chính là bằng cách đạt đươc sự kiểm soát đối với ý thức của mình.
Những nhận thức (perceptions) của chúng ta về cuộc sống là kết quả của rất nhiều tác động để tạo nên trải nghiệm, mỗi một nhận thức lại có tác động khác nhau lên việc chúng ta cảm thấy tốt hay xấu. Hầu hết những tác động này nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi gì nhiều về ngoại hình, khí chất và thể trạng của mình. Chúng ta không thể quyết định, ít nhất là đến bây giờ, việc mình có thể cao đến bao nhiêu, có thể thông minh đến thế nào. Chúng ta có thể chọn cha mẹ hoặc ngày sinh, nhưng chúng ta không có năng lực để quyết định lúc nào thì sẽ xảy ra chiến tranh hay suy thoái kinh tế (a depression). Những chỉ dẫn chứa đựng trong mã gen của chúng ta, sức hút của trọng lực, hạt phấn hoa trong không khí, những thời kì lịch sử mà chúng ta được sinh ra trong đó – tất cả những điều này và vô số những điều kiện khác quyết định cái mà ta nhìn thấy, cách chúng ta cảm nhận, điều chúng ta làm. Không ngạc nhiên khi chúng ta nên tin rằng số phận của mình chủ yếu được định đoạt bởi những tác động ở ngoài kia.
Tuy chúng ta đều trải qua khoảng thời gian mà thay vì bị vùi dập vởi những tác động vô hình, chúng ta lại cảm giác được sự nắm quyền kiểm soát đối với hành động của mình, trở thành người chủ của cuộc đời mình. Khi mà những dịp hiếm hoi này diễn ra, chúng ta thấy được sự hồ hởi, niềm hạnh phúc cắm rễ đã được ấp ủ từ lâu, và trở thành những cột mốc trong trí nhớ về việc cuộc sống lẽ ra nên diễn ra như vậy.
Đó là điều mà chúng tôi gọi là trải nghiệm tối ưu (optimal experience). Là cảm nhận của người thủy thủ nắm chắc tay lái khi cơn gió quật mạnh vào tóc, khi con thuyền bất thình lình đâm mạnh vào con sóng lớn như chú ngựa non háu đá (like a colt) – cánh buồm, thân tàu, gió và biển cả kêu rền lên giai điệu làm cho những mạch máu của người thủy thủ rung lên. Là cảm giác khi người họa sĩ, nhìn những màu sắc trên tấm vải canvas bắt đầu tạo nên sự tương tác đầy lôi cuốn (magnetic tension), và rồi một cái gì đó mới mẻ, một cái gì đó có sức sống dần thành hình trước mắt người tạo ra nó một cách đáng kinh ngạc. Hay là cảm xúc của người cha khi đứa con lần đầu đáp lại nụ cười của ông. Tuy vậy những sự kiện này không diễn ra chỉ khi những điều kiện bên ngoài thuận lợi: những người đã sống sót trong trại tập trung hay những ai đã trải qua những mối nguy hiểm cận kề cái chết, họ thường hồi tưởng lại, giữa những sự tra tấn đau đớn, họ trải qua những khoảnh khắc Chúa hiện lên hồi đáp lại một cách tuyệt diệu khác thường khi họ nghe thấy tiếng chim hót trong rừng, hoàn thành xong một công việc khó nhằn, hoặc cùng chia sẻ một mẩu bánh mì với một người bạn.
Trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ, những khoảnh khắc như vậy, những khoảnh khắc tuyệt với nhất trong cuộc đời, không hề là khoảng thời gian thư giãn, bị động và dễ lĩnh hội – dù những trải nghiệm này rất thích thú để tận hưởng, nếu chúng ta làm việc chăm chỉ để giành được chúng. Những khoảnh khắc tuyệt nhất thường xảy ra khi cơ thể hay tâm trí của một người bị kéo căng ra trong một nỗ lực tự nguyện để hoàn thành những thứ khó khăn và đáng giá. Trải nghiệm tối ưu là cái gì đó mà chúng ta khiến nó diễn ra (make it happen). Đối với một đứa trẻ, đó có thể là đặt miếng ghép cuối cùng của ngôi nhà bằng những ngón tay run rẩy, ngôi nhà cao hơn hết thảy những ngôi nhà từng được xây nên. Đối với một vận động viên bơi lội, đó là cố gắng để vượt qua những kỉ lục trước đây của chính mình. Đối với một nghệ sĩ violin, chơi thuần thục một đoạn nhạc phức tạp. Với mỗi người, có hàng ngàn cơ hội, thử thách để phát triển bản thân.
Những trải nghiệm này có thể không cần phải dễ chịu ngay từ lúc chúng diễn ra. Những cơ bắp của vận động viên bơi lội có thể sẽ đau nhức trong suốt quãng đường đua xanh đáng nhớ nhất ấy, phổi có thể như nổ tung, anh ta có thể sẽ chóng mặt vì sự mệt mỏi – tuy vậy đó vẫn là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời anh ta. Kiểm soát được cuộc đời mình không hề dễ dàng, và đôi khi còn có cả đau đớn. Nhưng về lâu về dài, trải nghiệm tối ưu bồi đắp nên cảm giác của quyền làm chủ (mastery) – hoặc đúng hơn là cảm giác của sự tham gia trong việc định đoạt sự bằng lòng với cuộc sống – gấn giống với cách mà chúng ta có thể hình dung được về định nghĩa của hạnh phúc.
Trong quá trình nghiên cứu, tôi cố gắng hiểu đúng nhất có thể về cách mà mọi người cảm thấy khi họ tận hưởng chính mình, và tại sao. Nghiên cứu đầu tiên của tôi có sự tham gia của vài trăm “chuyên gia” – nghệ sĩ, vận động viên, nhạc sĩ, kỳ thủ cờ vua, và những bác sĩ phẫu thuật – nói cách khác, họ là những người chỉ dành thời gian của mình cho chính xác những hoạt động mà họ yêu thích. Từ những miêu tả của họ về việc họ cảm thấy thế nào về việc họ đang làm, tôi phát triển nên một lý thuyết về trải nghiệm tối ưu dựa trên khái niệm của “dòng chảy” (flow) – trạng thái mà khi người ta tham gia vào một hoạt động nào đó và không còn điều gì khác quan trọng nữa; trải nghiệm mà tự nó đáng tận hưởng đến mức họ vẫn sẽ làm dù phải trả một cái giá rất lớn, chỉ hoàn toàn vì mục đích được thực hiện hoạt động đó.
Với sự giúp đỡ của mô hình lý thuyết này, đội ngũ nghiên cứu của tôi ở Đại học Chicago và sau đó là những đồng nghiệp trên toàn thế giới, phỏng vấn hàng ngàn cá nhân đến từ nhiều thành phần xã hội khác nhau (different walks of life). Những nghiên cứu này đưa ra giả thuyết rằng trải nghiệm tối ưu được miêu tả giống nhau giữa đàn ông và phụ nữ, giữa người già và người trẻ, bỏ qua sự khác biệt về văn hóa. Trải nghiệm dòng chảy này không phải chỉ là một nét biến thể của sự phong lưu, những người ưu tú được quy trình hóa (industrialized elites). Những điều này được mô tả về bản chất là như nhau giữa những phụ nữ lớn tuổi ở Hàn Quốc, những người trưởng thành ở Thái Lan và Ấn Độ, những thiếu niên ở Tokyo, những đứa trẻ chăn cừu ở Navajo, những người nông dân trên dãy An-pơ ở Ý, những người công nhân trong dây chuyền sản xuất ở Chicago.
Ban đầu, dữ liệu của chúng tôi gồm những cuộc phỏng vấn và những bảng câu hỏi. Sau đó, để đạt được độ chính xác cao hơn, chúng tôi phát triển một phương pháp mới để đo đạc chất lượng của những trải nghiệm chủ quan của những người tham gia. Kỹ thuật này được gọi là Phương pháp lấy mẫu trải nghiệm (Experience Sampling Method), nó bao gồm việc yêu cầu mọi người đeo một thiết bị nhắn tin điện tử trong một tuần và viết ra những cảm nhận của họ, những điều họ đang nghĩ tới mỗi khi chiếc máy nhận được tín hiệu. Máy nhắn tin này được kích hoạt khoảng 8 lần một ngày bằng một hệ thống truyền tin hiệu radio, vào những khoảng thời gian ngẫu nhiên (intervals). Cuối tuần, mỗi người tham gia sẽ cung cấp lượng thông tin này bằng một bản ghi âm, một đoạn phim về cuộc sống của họ, dựa trên những mảnh ghép được chọn ra từ những khoảnh khắc đại diện kể trên. Đến bây giờ đã có hàng trăm ngàn lát cắt (cross-section) trải nghiệm như thế được thu thập lại từ nhiều phần của thế giới. Kết luận cho cuốn sách này là dựa trên nội dung dữ liệu như thế.
Nghiên cứu về dòng chảy mà tôi bắt đầu từ đại học Chicago bây giờ đã lan rộng toàn cầu. Những nhà nghiên cứu Canada, Đức, Ý, Nhật và Úc đều tham gia vào công cuộc điều tra này. Tại thời điểm hiện tại, cuộc thu thập dữ liệu lớn nhất ngoài phạm vi Chicago là tại Viện Tâm lý học, Trường Y trực thuộc Đại học Milan, Italia. Khái niệm về dòng chảy đã chứng minh tác dụng của mình đối với những nhà tâm lý học nghiên cứu về hạnh phúc, sự hài lòng về cuộc sống, bản chất của động lực, những nhà xã hội học thấy được sự đối lập của sự vô tổ chức và sự xa lánh, những nhà nhân loại học hứng thú với những hiện tượng tập hợp sự sôi nổi và nghi lễ tôn giáo (?!) (effervesence and rituals). Một vài người đã mở rộng hàm ý của từ dòng chảy để cố gắng hiểu được sự tiến hóa của nhân loại, một số khác là để làm sáng tỏ những trải nghiệm tôn giáo.
Nhưng dòng chảy không chỉ là một vấn đề học thuật. Chỉ một vài năm sau khi được công bố, lý thuyết này bắt đầu được áp dụng trong nhiều vấn đề thiết thực. Bất kể lúc nào mục tiêu là để nâng cao chất lượng cuộc sống thì lý thuyết về dòng chảy đều có thể chỉ đường, dẫn lỗi. Nó đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của các chương trình học thực nghiệm, các khóa bồi dưỡng quản trị kinh doanh, thiết kế những sản phẩm và dịch vụ giải trí. Dòng chảy được dùng để tạo ra ý tưởng, luyện tập những phương pháp trị liệu tâm lý, giúp phục hồi những trẻ vị thành niên phạm tội (juvenile delinquents), tổ chức những hoạt động tại nhà dưỡng lão, thiết kế những buổi triển lãm tại các bảo tàng, liệu pháp lao động (occupational therapy) cho người khuyết tật. Tất cả những điều kể trên đều chỉ trong vòng 1 thập kỷ sau khi bài báo đầu tiên về Dòng chảy xuất hiện trên các bài báo học thuật, và chỉ ra rằng tác động của lý thuyết này còn trở nên to lớn hơn trong những năm sắp tới.
[1] Lấy theo tựa đề bản dịch Tiếng Việt đã xuất bản
Join the conversation
Bạn ơi bạn có thể dịch thêm những chương khác của cuốn “Dòng chảy” được không ạ ? Mình rất muốn đọc nhưng lại không có cơ hội mua bản dịch. Cảm ơn bạn nhiều =)))
Hôm nào bản dịch được duyệt xuất bản mình sẽ gửi tặng bạn một cuốn nhé ^^
*inmydream*