PMS là một điều gì đó rất kinh khủng đối với mình vì nó khiến cho mình từ một người đang hừng hực khí thế với bao nhiêu kế hoạch biến thành một con quỷ dỗi hờn nhõng nhẽo đáng ghét biếng lười không thể tả được. Và kể cả đại dịch toàn cầu khiến cả thể giới phải dừng lại thì cũng không ngăn nổi cái thứ PMS này (đúng còn gì!)

Mỗi lần phải trải qua những sự mệt mỏi và đau đớn ấy mình lại ước gì được làm đàn ông con trai dù bình thường làm con gái rất vui thật đấy!

Nhân dịp mình đang cáu kỉnh vì bị PMS, mình muốn ngồi dịch một bài viết về hormones để tự trấn tĩnh lại.

Hóoc môn là những tin nhắn hóa học di chuyển liên tục trong cơ thể để điều chỉnh những quá trình phức tạp như quá trình lớn lên, trao đổi chất, và sinh sản. Chúng có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch, và kể cả sự thay đổi hành vi. Trước khi sinh, chúng định hướng cho sự phát triển của não bộ và hệ sinh sản. Hóoc môn là lí do vì sao cánh tay của chúng ta có độ dài như nhau, vì sao chúng ta có thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, và vì sao bạn thay đổi từ đầu đến chân khi bước vào tuổi dậy thì. Chính là nhờ những chất hóa học đó mà những phần cách xa nhau trong một cơ thể có thể liên lạc được với nhau trong những sự kiện, quá trình quan trọng và tỉ mỉ.

Để trả lời tín hiệu đến từ bộ não, hoóc môn được tiết ra và đi thẳng vào máu bởi các tuyến sản suất và dự trữ hoóc môn. Những tuyến này tạo thành hệ nội tiết. Những chất hóa học can thiệp vào chức năng của các hoóc môn vì vậy mà được gọi là các chất gây rối loạn nội tiết.

Tinh hoàn và buồng trứng, còn gọi là “tuyến sinh dục”, có thể được xem là tuyến nội tiết quen thuộc nhất. Ở nam giới, tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng và tiết ra hoóc môn nam testosterone; ở nữ giới, buồng trứng sản sinh ra trứng và hoóc môn nữ estrogen. Đây chính là những hoóc môn quyết định giới tính và những thuộc tính phát sinh khác (secondary sex characteristics) của giới như cơ bắp và râu. Chúng cũng giúp để sắp xếp các quá trình sản xuất tinh trùng, kinh nguyệt và mang thai.

Những tuyến nội tiết khác bao gồm tuyến giáp, tuyến tụy và tuyến thượng thận. Chúng có chức năng chính trong quá trình sinh trưởng, chuyển hóa và phản ứng “chiến-hay-chạy” khi chúng ta phải đối mặt với stress. (Fight or flight response to stress – first described by Walter Bradford Cannon)

Hầu hết phụ nữ đều trải qua những dấu hiệu trong những ngày gần tới chu kỳ (thường là trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt). Triệu chứng của mỗi người là khác nhau và có thể thay đổi theo từng tháng. Những triệu chứng thể hiện rõ ràng trên nhiều mặt: thể chất, hành động, hoặc tâm lý, tái diễn và đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng tới cuộc sống.

Nguyên nhân chính xác gây ra PMS vẫn chưa được xác định, tuy nhiên sự thay đổi về hoóc môn được cho là điểm khởi nguồn cho những triệu chứng này. Sau khi rụng trứng, khi thể vàng bắt đầu thoái hóa, sự thiếu hụt của hoóc môn progesterone dần về cuối chu kỳ sẽ ảnh hưởng tới nhiều chất hóa học trong bộ não (ví dụ như serotonin). Những người phụ nữ có PMS không phải là người có lượng hoóc môn bất thường mà họ là những người nhạy cảm hơn với những tác động của hoóc môn progesterone và estrogen.

Mức độ ảnh hưởng của quá trình này tới một người phụ nữ còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe về mặt tinh thần và xã hội của họ ở một thời điểm cụ thể trong đời.

Có tới 80% phụ nữ cho rằng họ đã trải qua PMS, trong khi PMS – tự nó được chứng minh rằng có tác động tới khoảng 5-25% phụ nữ trong thời kỳ sinh sản. Và có khoảng 5-8% phụ nữ mắc phải những triệu chứng PMS nghiêm trọng  hơn rất nhiều được gọi là chứng “Rối loạn tiền kinh nguyệt”

Có đến 150 triệu chứng được xác định là PMS. Những triệu chứng của cơ thể phổ biến nhất là đau đầu, nổi mụn, đau ngực, cơ thể sưng phồng, mệt mỏi, đau bụng,… Những triệu chứng về tâm lý thường xuyên gặp phải đó là tâm trạng thất thường (mood swing), dễ cáu kỉnh, lo âu, chán nản buồn rầu, dễ khóc, đa cảm và mất tập trung,…

Dù sao thì mỗi tháng một lần, mình sẽ có cơ hội được nằm dài lười biếng trên giường, mắt mũi tè le nước mắt còn tay thì ôm đống snack và chocolate yêu thích, gặm nhấm cật lực và đổ lỗi hết cho PMS. Ai biểu trời sinh tui ra được làm con gái, nên tui có quyền 😛

Nguồn: instagram @nicolejardim

P/s: Ai mà bị tui cáu, thì cứ mặc kệ tui ha. Mà nhìn có vẻ tui sắp cáu, thì cũng né xa ra nhaaaaa

Tham khảo:

Yourhormones.info

Heathline.com

Medium.com

Disclaimer: The feature image is not mine. I saw it on Google when I looked up “PMS”. I cannot find the credit on the internet so if anyone knows please tell me.

Join the conversation

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *