(Đây là ý tưởng của mình để làm Peer Learning Session khi tham gia SSEAYP Youth Conference 2021, đến nay thì được public ở dạng blog. Và mình chỉ muốn hét lên rằng, yayy mình đã viết về thời trang!!!)
Phần 1: Preppy encyclopedia
Phong cách Preppy nổi lên ở Việt Nam từ những năm mình học cấp 2, tức là tầm 2007-2008. Thời đó preppy được lan toả từ bộ phim Gossip Girls nổi đình nổi đám. Hình ảnh quen thuộc của những cô nàng thời thượng lúc ấy sẽ là sự pha trộn của phong cách preppy quý tộc như Blair Wardoft …
… hay mang chút hơi hướng bohemian mà vẫn hiện đại và sang chảnh như Serena van der Woodsen.
Preppy style là một phong cách thời trang mang hơi hướng học đường, có một lịch sử khá lâu đời, trước khi trở thành xu hướng bùng nổ trên đường phố và được yêu thích rộng rãi đến hôm nay. Preppy như một minh chứng cho việc, bạn vẫn có thể vừa trông thông minh mà không hề mọt sách, trông đầy học thức mà vẫn rất thanh lịch trẻ trung, trong những bộ đồ với sự cổ điển rất riêng.
Những key items của preppy như giày oxford, áo len cardigan, áo len chui đầu vặn thừng, áo thun kẻ sọc, quần jeans suông, sơ mi trắng, blazer, chân váy xếp li, mũ beret, giày Mary Janes.
Hoạ tiết kẻ hay combo đỏ -trắng – xanh dương cũng rất đặc trưng.
Hay hoạ tiết tartan cũng là một dấu ấn đặc trưng của phong cách này.
“Preppy” là cách nói rút ngắn đi của “private, university-preparatory school”, có thể hiểu là những trường dự bị đại học mà chỉ có những đứa trẻ đến từ gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc trên trung lưu tại Mỹ theo học. Phong cách preppy lần đầu tiên được biết đến vào khoảng năm 1910-1912 và sau đó trở nên phổ biến hơn vào những năm 1940 với tên gọi “Ivy Style”. Sở dĩ có cái tên này là vì hai thương hiệu đầu tiên bán quần áo theo phong cách preppy là J.Press và Brook Brothers đã bán độc quyền cho các trường đại học thuộc Ivy League, Đông Bắc Hoa Kỳ. Đây là thời kỳ của áo chiếc sơmi oxford, áo len và giày loafer. Ivy Style dù khá đa dạng và phong phú, nhưng cũng là một phong cách tiêu biểu, từng mang ý nghĩa như một cách để phân biệt những sinh viên Ivy League với các sinh viên khác, để các thành viên của các trường này dễ dàng nhận ra và kết nối với nhau.
Vì vậy, Preppy trở thành thuật ngữ Mỹ dùng để chỉ một nét văn hoá trong cả lối sống, cách ăn mặc và trang điểm của những gia đình giàu có (old money) ở Mỹ. Sự cổ điển và đồng điệu vốn có của phong cách thời trang này bao gồm cả cách phối hợp hài hòa giữa trang phục và trang điểm, giữa phong thái và chuẩn mực ứng xử.
Năm 2021, sau 8 năm kể từ khi thế hệ những cô nàng đầu tiên của Upper East Side, Manhattan chia tay màn ảnh nhỏ, dự án Gossip Girls reboot xuất hiện trở lại mang theo một làn gió mới. Có thể chính vì thế mà Preppy style cũng quay trở lại, trong một diện mạo mới. Đó là Academia (bao gồm cả những biến thể khác của nó như Light Academia, Dark Academia, Romantic Academia, v.v…)
Với bản thân mình, Academia là một xu hướng phát triển từ Preppy của những thế kỷ trước. Mùa đông 2021 đến sớm, phong cách Academia vì thế cũng sớm lên ngôi.
Academia thường mang màu sắc có phần cũ kĩ, ẩn chứa nét u buồn đến từ sự khao khát “cái đẹp” của văn học cổ điển và trường phái nghệ thuật Gothic, gắn liền với hình ảnh những cô nàng thông minh, tri thức, đời sống tinh thần có chiều sâu và đôi lúc tách biệt bởi lối suy nghĩ khác thường.
Rất khó để nói điều gì thực sự là “xu hướng” trong thời trang, dù ở thời điểm nào. Nhưng nếu có một phong cách nào đó tạo cảm giác thống trị một cách đầy thuyết phục, khiến chúng ta quay lại với nó hết lần này đến lần khác, thì đó chính là preppy.
TikTok gần đây tràn ngập nội dung về những thứ tiệm cận preppy. Ai ai cũng nói về những thứ “kinh điển”, về những gì người giàu “thực sự” đang mặc và sự giàu có giấu giếm sau những bộ suits cashmere và túi không có logo của Hermès.
Các thương hiệu thời trang cũng đứng chung với xu hướng này. Nhiều nhà mốt châu Âu đang phát triển hình ảnh của họ theo hướng “cổ điển” hay “mang tính di sản” hơn. Việc Alessandro Michele – Cựu giám đốc sáng tạo của Gucci từ chối bỏ đi gu thẩm mỹ phóng túng của mình để trở nên truyền thống hơn được cho là một trong những lý do khiến ông phải rời đi vào cuối năm ngoái. Balenciaga cũng gia nhập bằng việc giới thiệu Garde-Robe vào giữa năm 2022 – một dòng sản phẩm cơ bản, không chạy theo mốt. Saint Laurent giành được nhiều lời khen ngợi nhờ những chiếc áo khoác cổ điển cùng những chiếc váy gợi cảm nhưng trang nghiêm lấy cảm hứng từ tầng lớp thượng lưu trong xã hội cũ.
Các thương hiệu của Mỹ như Noah, Bode và Thom Browne được ra đời từ giấc mơ về những đường kẻ sọc ngang to bản của bộ môn bóng bầu dục, quần chinos ống rộng và những hoạt động thường diễn ra ở các câu lạc bộ tư nhân (country clubs).
Và có hẳn một season trên kênh podcast Articles of Interest nổi tiếng của Avery Trufelman mang tên “American Ivy”, tập trung nói về sức hút vượt thời gian của preppy và đặc biệt là lịch sử của “Ivy Style”.
Preppy là cảm hứng vượt thời gian, cổ điển và bền vững. Mọi người đều trông rất ổn trong chiếc quần ống rộng, áo khoác vải tuýt bên ngoài áo vest len cashmere. Không khiến bạn trông thật ngầu, nhưng chúng ta vẫn có thể tạo nên phong cách riêng khi mặc đồ preppy bằng cách đi giày cao bồi, thắt cà vạt như một chiếc thắt lưng, hoặc buộc áo len quanh eo như một chiếc váy nhỏ.
Có thể thấy được điều khiến phụ nữ mua sắm, chỉ đơn giản là khi họ tìm ra cách phát triển tủ đồ và phong cách của mình, dựa trên một nền tảng. Và preppy như một quy chuẩn, khiến mình muốn lui về khi đối mặt với sự hỗn loạn trong thế giới thời trang hiện nay – khi mà dường như có quá nhiều xu hướng tồn tại cùng một lúc và rất nhiều loại trang phục mang đến cảm giác rẻ tiền, chỉ có thể dùng một lần. Preppy thì khác, những trang phục preppy có chất lượng tốt và các items cơ bản có thể được mua với giá rất hợp lý.
Nhưng liệu preppy – hình ảnh của nó gắn với sự giàu có, đặc quyền và tất cả những thứ khác liên quan đến vấn đề bất bình đẳng thu nhập có phải là xu hướng tối thượng, hay đó là sự phủ nhận của tất cả những thứ hợp thời?