Sự che chở của văn minh
Trong quá trình tiến hoá của loài người, từng nhóm người dần dần nhận thức được sức nặng (enormity) của việc bị cô lập trong vũ trụ và sự không ổn định của việc phải duy trì sự sống, điều đó đã tạo nên những tưởng tượng và đức tin rằng có thể biến đổi những sức mạnh ngẫu nhiên trí mạng ở ngoài vũ trụ thành những mô hình có thể kiểm soát, hoặc ít nhất là có thể hiểu rõ được. Một trong những chức năng chính của mỗi nền văn minh là để bảo hộ cho thành viên của chúng khỏi sự hỗn mang, để trấn an họ về sự quan trọng và sự thắng lợi tột cùng. Người Eskimo, những thợ săn của lưu vực Amazon, người Trung Hoa, người bản xứ Châu Úc Aborigine, những người sinh ra và lớn lên tại New York – tất cả họ đều hiển nhiên cho rằng họ đang sống ở trung tâm của vũ trụ và họ được phân phát cho một quyền lợi đặc biệt đã giúp họ “được ngồi lên xe lửa cao tốc” để tiến đến tương lai. Nếu không có niềm tin vào những đặc quyền riêng biệt như thế, thì thật khó để đối mặt với sự chênh lệch của hiện thực.
Điều này xảy ra là bởi nó nên như thế. Nhưng trong những thời điểm, cảm giác an toàn trong sự che chở của vũ trụ thân tình lại trở nên nguy hiểm. Một niềm tin mù quáng vào sự bảo hộ, vào thần thoại của các nền văn minh có thể dẫn đến những sự tan vỡ mộng tưởng vô cùng lớn khi chúng thất bại. Điều này thường diễn ra khi một nền văn minh đang vận hành một cách may mắn và trong một thời gian nhất định có vẻ đã tìm ra cách điều khiển được những thế lực của thiên nhiên. Vào thời điểm đó thì có vẻ rất hợp lý để bắt đầu tin rằng họ là những người được chọn để không còn phải e sợ bất kì chướng ngại nguy hiểm nào nữa. Người La Mã đã đạt đến đỉnh điểm ấy sau vài thế kỷ thống trị vùng Địa Trung Hải, người Trung Hoa đã tự tin vào sự lớn mạnh bất biến của mình trước sự xâm lăng của quân Mông Cổ, và thổ dân Aztec trước khi người Tây Ban Nha xuất hiện cũng như vậy.
Sự ngạo mạn về văn minh, hay sự giả định đầy tự phụ vào thứ mà chúng ta được trao quyền từ vũ trụ về cơ bản là vô ý với những nhu cầu của con người, và theo như lẽ thường dẫn đến rắc rối. Cảm giác an toàn một cách không có cơ sở này sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến một sự thức tỉnh dữ dội. Khi con người bắt đầu tin vào việc sự phát triển là một điều chắc chắn xảy ra, và cuộc sống thì dễ dàng, họ sẽ dễ dàng mất đi sự can đảm và ý chí quyết tâm khi đối diện với những dấu hiệu đầu tiên của nghịch cảnh. Khi họ nhận ra những điều mình vẫn luôn tin tưởng hoá ra không hoàn toàn đúng, họ từ bỏ niềm tin vào tất cả những điều còn lại mà họ đã nghe được. Bị tước đi những sự hỗ trợ căn bản mà các giá trị văn hoá đã trao cho, họ lúng túng trong một mớ bòng bong của sự lo lắng và thờ ơ.
Những dấu hiệu vỡ mộng ấy không khó để nhìn thấy xung quanh chúng ta hiện nay. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất có liên quan đến sự bơ phờ đang tràn lan và ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Những cá nhân hạnh phúc một cách thật sự rất ít và thưa thớt. Có bao nhiêu người mà bạn biết thực sự hạnh phúc với việc mà họ đang làm, bao nhiêu người cảm thấy thoả mãn một cách chấp nhận được với vị trí mà họ đang đứng, bao nhiêu người không ân hận với quá khứ và nhìn đến tương lai bằng sự tự tin chân thật? Nếu Diogenes[1] với ngọn nến của mình ở 23 thế kỉ trước khó có thể tìm thấy một con người thiện lương chân chính, thì ngày nay có thể ông ta còn vất vả hơn để có thể tìm thấy được một người hạnh phúc.
Sự trì trệ một cách phổ biến này không hẳn là đến từ những nguyên nhân bên ngoài. Không như phần lớn những quốc gia trong thế giới đương đại, chúng ta đâu thể đổ lỗi cho những vấn đề của mình lên môi trường khắc nghiệt, lên nạn đói nghèo lan rộng, hay sự áp bức của những đội quân chiếm đóng ngoại lai. Gốc rễ của sự bất mãn là nằm ở bên trong, và mỗi người phải tự thân gỡ tối chúng bằng sức mạnh cá nhân. Những sự bảo hộ đã từng có ý nghĩa trong quá khứ – những trật tự do tín ngưỡng tôn giáo, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đạo đức, và những thói quen được các tầng lớp xã hội làm cho thấm nhuần đã không còn hiệu qủa khi mà ngày càng nhiều người đang bị đặt vào những cơn gió khắc nghiệt của thời kỳ hỗn loạn (the harsh winds of chaos).
Việc thiếu đi trật tự ở bên trong biểu lộ chính nó trong điều kiện chủ quan, được gọi là nỗi lo lắng bản thể (ontological anxiety) hay nỗi khiếp sợ hiện sinh (existential dread). Nói đơn giản, đó là cảm thấy sợ hãi khi tồn tại, một cảm giác về việc cuộc sống không có ý nghĩa và việc tồn tại không còn đáng để tiếp diễn. Không còn điều gì là có ý nghĩa. Trong một vài thế hệ gần đây, nỗi ám ảnh với chiến tranh hạt nhân đã góp thêm một mối đe doạ chưa từng có tiền lệ đối với những hi vọng sống của chúng ta. Dường như không còn điểm tiến bộ gì trong lịch sử đấu tranh của nhân loại. Chúng ta chỉ là những đốm nhỏ bị bỏ quên trôi dạt trong hư không. Với mỗi một năm trôi qua, sự hỗn loạn của vũ trụ càng được phóng đại lên trong tâm trí của đại chúng.
Khi con người đi qua cuộc đời, đi qua sự phởn phơ đầy hi vọng của tuổi trẻ để bước sang giai đoạn trưởng thành đầy chín chắn, sớm hay muộn cũng phải đối diện với 1 câu hỏi ngày càng dai dẳng: “Đã phải tất cả chưa?” Tuổi thơ thì đau đớn, thời thiếu niên thì đầy hoang mang, nhưng với hầu hết mọi người, sau tất cả chúng ta đều kì vọng rằng sau khi trưởng thành, mọi thứ đều sẽ tốt đẹp hơn. Trong suốt những năm đầu “làm người lớn”, tương lai vẫn còn rất hứa hẹn, niềm hi vọng về việc sẽ nhận ra những mục tiêu của cuộc đời hẵng còn đó. Nhưng chắc hẳn trên gương phòng tắm sẽ hiện lên những sợi tóc bạc đầu tiên, và chắc chắn rằng cân nặng thừa sẽ không biến đi đâu được; chắc chắn rằng tầm nhìn sẽ bắt đầu kèm đi và những cơn đau bí ẩn bắt đầu chạy quanh cơ thể. Như khi những người phục vụ bàn trong nhà hàng bắt đầu bài trí bàn ăn cho bữa sáng trong khi một người vẫn đang ăn bữa tối, những dấu hiệu ấy của “việc rồi ai cũng phải chết” (mortality) chỉ đơn giản truyền đạt một lời nhắn: Thời gian của bạn đã hết, đến lúc phải đi rồi. Khi điều đó diễn ra, chỉ một số ít người cảm thấy sẵn sàng. “Chờ thêm 1 phút, không thể như thế được, tôi còn chưa bắt đầu được sống cơ mà. Số tiền kếch xù mà đáng ra tôi phải có đâu? Những khoảng thời gian vui vẻ mà đáng ra tôi đã có đâu?”
Một cảm giác của việc bị dẫn dắt, bị lừa dối, đó là hệ quả dễ hiểu của sự giác ngộ này. Từ những ngày còn bé, chúng ta đã được dung dưỡng để tin rằng một số phận dễ chịu sẽ tới. Xét cho cùng, chúng ta dường như đều đồng tình rằng chúng ta thật may mắn khi được sống ở đất nước giàu có nhất từng tồn tại, trong một giai đoạn tiến bộ và phát triển về khoa học trong lịch sử loài người, được bao quanh bởi những công nghệ tân tiến nhất, được bảo vệ bằng Hiến pháp sáng suốt nhất. Vì thế, cũng dễ hiểu khi hi vọng rằng chúng ra sẽ giàu có hơn, có một cuộc đời ý nghĩa hơn tất cả những thành viên khác trong nhân loại. Và ông bà của chúng ta, sống trong một quá khứ ban sơ đến vô lý, sẽ thấy thật bằng lòng khi thấy con cháu đang sống hạnh phúc biết mấy!
Điều ấy các nhà khoa học đã nói với chúng ta, cũng đã được thuyết giáo từ bục giảng của nhà thờ, và cũng đã được minh chứng bởi hàng ngàn quảng cáo trên truyền hình ca ngợi cuộc sống tươi đẹp. Dẫu vậy, mặc kệ tất cả những sự cam đoan, không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ thức dậy một mình, cảm nhận được rõ ràng rằng không có một thế giới thịnh vượng, khoa học và công phu nào có thể cung cấp cho chúng ta HẠNH PHÚC.
Và khi sự nhận thức này dần dần ăn sâu, mỗi người lại có một cách phản ứng khác nhau. Một vài người thì bỏ qua, một vài người thì tiếp tục những nỗ lực để đạt được nhiều hơn những thứ được cho là sẽ giúp có 1 cuộc sống hạnh phúc: nhà và xe to hơn, nhiều quyền lực hơn trong công việc, và một lối sống xa hoa hấp dẫn. Họ khôi phục nỗ lực, giữ vững quyết tâm để đạt được sự thoả mãn cho đến khi không thể nhớ về nó nữa. Đôi khi cách này có hiệu quả, đơn giản là vì họ sẽ bị kéo sâu vào một một cuộc đấu đầy cạnh tranh đến mức không còn thì giờ mà nhận ra rằng mình chẳng hề hạnh phúc hơn. Nhưng nếu một người thực sự dành thời gian để tự nhìn nhận lại, thì sự vỡ mộng sẽ đến: sau mỗi lần đạt được thành tựu gì đó thì chúng ta lại càng nhìn thấy rõ hơn, tiền bạc, quyền lực, địa vị, và của cải đều tự nó không phải thứ tất yếu để thêm chút nào vào chất lượng cuộc sống.
Những người khác thì quyết định tấn công trực tiếp vào những triệu chứng mang tính đe doạ. Nếu cơ thể sinh ra những hồi chuông cảnh báo đầu tiên, họ sẽ ăn kiêng, gia nhập những câu lạc bộ sức khoẻ, tập aerobics, mua cá ngừ Nautilus, hoặc làm phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu vấn đề có thể là không ai quan tâm nhiều đến họ, thì họ sẽ mua sách viết về cách có được quyền lực hay cách kết giao bạn bè, hoặc đăng ký các khoá học về sự tự tin khẳng định mình và sẽ có những bữa trưa quyền lực (Power lunch). Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng rằng những giải pháp từng phần như thế chẳng ra đâu vào đâu. Dù bạn có bỏ ra bao nhiêu năng lượng để dành trọn cho việc quan tâm rồi cũng sẽ cạn kiệt. Nếu bạn học cách để trở nên quyết liệt, bạn có thể tình cờ trở nên xa cách với bạn bè. Và nếu bạn cống hiến quá nhiều thời gian cho việc nuôi dưỡng những tình bạn mới, thì mối quan hệ với gia đình và người bạn đời có thể sẽ bị ảnh hưởng. Có quá nhiều con đập có thể bị vỡ, và quá ít thời gian để giữ gìn tất cả.
Bị khuất phục bởi sự vô ích khi cố gắng theo đuổi mọi nhu cầu mà không thể đáp ứng, vài người chọn cách từ bỏ và nghỉ hưu trong sự lãng quên. Theo lời khuyên của Candide[2] thì họ sẽ từ bỏ thế giới và trở về nuôi dưỡng những khu vườn nhỏ của riêng mình. Họ có thể đua đòi theo những hình thức giải thoát đầy thượng lưu như phát huy một sở thích vô hại hay tích lũy một bộ sưu tập tranh trừu tượng hoặc tượng sứ nhỏ xinh. Hoặc là họ có thể chìm đắm trong rượu hoặc cõi mơ của ma túy. Trong khi những thú vui kỳ thú và những sự tiêu khiển đắt đỏ nhất thời sẽ làm cho tâm trí quên đi câu hỏi “Có phải chỉ có thế này không?” thì vài người đã tuyên bố tìm thấy câu trả lời theo cách ấy.
Theo truyền thống, người ta chọn đối mặt trực tiếp với vấn đề của sự tồn tại một cách trực tiếp nhất thông qua tôn giáo, và ngày càng có nhiều người vỡ mộng quay về với nó, theo một trong những tín ngưỡng tiêu chuẩn hoặc một loại hình huyền bí khác của phương Đông. Nhưng tôn giáo chỉ là một nỗ lực thành công tạm thời để đối phó với việc thiếu ý nghĩa của cuộc sống, những nói chung đó không phải là những câu trả lời vĩnh viễn. Tại một số thời điểm trong lịch sử, tôn giáo đã giải thích một cách thuyết phục rằng điều gì là sai trong sự tồn tại của con người và đã đưa ra những câu trả lời đáng tin cậy cho điều đó. Từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ tám của kỷ nguyên này, Cơ đốc giáo lan rộng khắp Châu Âu, Hồi giáo phát sinh ở Trung Đông, và Phật giáo đã chinh phục châu Á. Trong hàng trăm năm, những tôn giáo này đã cung cấp những mục tiêu cần thoả mãn để cho con người dành cả đời theo đuổi. Nhưng ngày nay càng khó chấp nhận thế giới quan của họ là một quan điểm kiên định. Sự đúng đắn của tôn giáo được thể hiện thông qua những thể thức của nó: những thần thoại, những khải huyền, những câu từ thần thánh – đã không còn là niềm tin buộc phải nghe theo trong một thời đại của khoa học, mặc dù bản chất của sự thật là không thay đổi. Một tôn giáo mớicần cho sự sống còn có thể sẽ xuất hiện trở lại một ngày nào đó. Trong thời gian đó, những người tìm kiếm sự an ủi trong các nhà thờ hiện có thường phải trả bằng một thỏa thuận ngầm, bỏ qua phần lớn những gì được biết về cách thế giới vận hành để đổi lại một tâm trí bình an.
Bằng chứng cho việc những giải pháp trên không còn hiệu quả nữa là không thể chối cãi. Trong thời kỳ hoàng kim của xã hội vật chất nguy nga tráng lệ, chúng ta đang phải chịu đựng vô số những căn bệnh lạ kỳ đến kinh ngạc. Lợi nhuận kiếm được từ sự phụ thuộc rộng rãi vào các loại thuốc lậu đang làm giàu cho những kẻ giết người và khủng bố. Có vẻ trong tương lai gần, chúng ta sẽ bị cai trị bởi một nhóm đầu sỏ gồm những tên từng là trùm ma túy, những kẻ nhanh chóng đạt được sự giàu có và quyền lực với cái giá phải trả là sinh mệnh của những công dân tuân thủ luật pháp. Và trong đời sống tình dục của mình, bằng cách rũ bỏ xiềng xích của giáo lý “đạo đức giả”, chúng ta đã thả ra những loại virus hủy diệt cho nhau.
Các xu hướng này đang đáng lo ngại đến mức chúng ta có xu hướng trở nên chán nản và bỏ qua bất cứ khi nào nghe thấy số liệu thống kê mới nhất. Nhưng chính sách đà điểu tự lừa dối chính mình (the ostrich’s stradegy) hầu như không hiệu quả; tốt hơn hết là đối mặt với sự thật và cẩn thận để tránh trở thành một trong những con số thống kê đó. Có những số liệu có thể khiến một số người yên tâm: ví dụ, trong ba mươi năm qua, chúng ta đã tăng gấp đôi mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người – hầu hết là nhờ tăng 5 lần việc sử dụng các tiện ích và thiết bị điện. Tuy nhiên, các chiều hướng khác sẽ không làm ai yên tâm. Năm 1984, vẫn còn 34 triệu người ở Hoa Kỳ sống dưới mức nghèo khổ (được định nghĩa là thu nhập hàng năm từ 10.609 đô la trở xuống cho một gia đình bốn người), một con số ít thay đổi qua các thế hệ.
Tại Hoa Kỳ, tần suất bình quân đầu người của tội phạm bạo lực như giết người, hãm hiếp, cướp của, hành hung đã tăng hơn 300% từ năm 1960 đến năm 1986. Gần đây nhất là năm 1978, 1.085.500 tội phạm đã được báo cáo, và đến năm 1986, con số này đã tăng lên 1.488.140. Tỷ lệ giết người giữ ổn định ở mức cao hơn khoảng 1.000 phần trăm so với ở các nước công nghiệp hóa khác như Canada, Na Uy hoặc Pháp. Cũng trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ ly hôn tăng khoảng 400%, từ 31 vụ trên 1.000 cặp kết hôn vào năm 1950, tăng lên 121 vào năm 1984. Trong 25 năm đó, bệnh truyền qua đường tình dục đã tăng hơn gấp ba lần; năm 1960 có 259.000 trường hợp mắc bệnh lậu, đến năm 1984 là gần 900.000. Chúng ta vẫn chưa biết rõ cái giá bi thảm mà chúng ta phải trả cho tai họa mới nhất – đại dịch AIDS trước khi nó kết thúc.
Sự gia tăng gấp ba gấp bốn lần bệnh lý của xã hội so với thế hệ trước còn đúng đến không ngờ trong một số lĩnh vực. Ví dụ, năm 1955 có 1.700.000 trường hợp can thiệp lâm sàng liên quan đến bệnh nhân tâm thần trên cả nước; đến năm 1975, con số này đã tăng lên 6.400.000. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, những con số này minh họa cho sự gia tăng chứng hoang tưởng của quốc gia: trong 1 thập kỷ từ 1975 đến 1985, ngân sách được cấp cho Bộ Quốc phòng đã tăng từ 87,9 tỷ đô la một năm lên 284,7 tỷ đô la – hơn gấp ba lần. Và đúng là ngân sách của Bộ Giáo dục cũng tăng gấp ba lần trong cùng thời kỳ, nhưng vào năm 1985, con số này “chỉ” là 17,4 tỷ đô la. Ít nhất thì về mặt phân bổ tài nguyên, thanh kiếm vĩ đại hơn cây bút khoảng mười sáu lần.
Tương lai không mấy khả quan hơn. Ngày nay, thanh thiếu niên đã có các triệu chứng của sự suy nhược ở người lớn, thậm chí còn ở dạng nguy hiểm hơn. Ngày càng ít trẻ em lớn lên trong các gia đình mà cả cha và mẹ đều có mặt để chia sẻ trách nhiệm liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Vào năm 1960, cứ 10 thanh thiếu niên thì chỉ có 1 người sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Đến năm 1980, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi và đến năm 1990 được dự đoán là sẽ tăng gấp ba lần. Năm 1982, có hơn 80.000 trẻ vị thành niên với độ tuổi trung bình là 15 tuổi, bị tống vào nhiều nhà tù khác nhau. Thống kê cho thấy số liệu sử dụng ma túy, bệnh tình dục, bỏ nhà đi và mang thai ngoài ý muốn đều rất đáng lo ngại, nhưng có lẽ con số đó vẫn còn khá thiếu sót. Từ năm 1950 đến 1980, số vụ tự tử ở thanh thiếu niên đã tăng khoảng 300%, đặc biệt là ở những thanh niên da trắng thuộc tầng lớp giàu có hơn. Trong số 29.253 vụ tự tử được báo cáo vào năm 1985, 1.339 là nam sinh da trắng trong độ tuổi 15–19; Số trẻ em gái da trắng cùng tuổi tự sát ít hơn bốn lần và số trẻ em trai da đen ít hơn 10 lần (tuy nhiên, số thanh niên da đen lại bắt kịp số người chết do tội giết người). Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mức độ hiểu biết của người dân dường như đang giảm ở khắp mọi nơi. Ví dụ, điểm toán trung bình trong các bài kiểm tra SAT là 466 vào năm 1967; năm 1984 là 426. Điểm số phần nói cũng giảm tương tự. Và các số liệu thống kê đáng buồn cứ thể tiếp tục tiếp diễn.
Tại sao, mặc dù đã đạt được những kỳ tích tiến bộ mà trước đây không ai dám mơ tới, chúng ta dường như bất lực hơn khi đối mặt với cuộc sống so với những tổ tiên có vẻ kém may mắn của chúng ta? Câu trả lời có vẻ rõ ràng: trong khi sức mạnh vật chất của loài người nói chung đã tăng hàng nghìn lần, thì chúng ta vẫn chưa tiến xa lắm để cải thiện sự bằng lòng về trải nghiệm.
[1] Khuyển Nho sĩ Diogenes: là một nhà triết học người Hy Lạp và là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa khuyển nho (chủ trương con người có thể được sung sướng và tự do trong thời đại đầy động loạn nhờ rèn luyện thân tâm, sống theo bản tính sẵn có, và từ bỏ ham muốn của cải, quyền lực, tiếng tăm). Ông là một nhân vật gây tranh cãi. Ông đi ăn xin để kiếm sống và thường ngủ ở chợ. Diogenes nổi tiếng với những trò đùa triết học. Ông chỉ trích Plato, phản đối cách giải thích của Plato về Socrates, và phá hoại các bài giảng của Plato. Diogenes cũng được ghi nhận vì đã chế nhạo Alexander Đại đế, cả trước công chúng và trước mặt Alexander khi ông đến thăm Corinth vào năm 336 TCN. Triết lý về Chủ nghĩa khuyển nho của ông đã được đưa một phần vào trường phái Khắc kỷ.
[2] Trong tác phẩm văn học trào phúng Candide: Optimism của nhà văn người Pháp Voltaire.