Một bài viết mình đã nghiền ngẫm suốt năm 2016. Sau 7 năm, khi đọc lại, mình vẫn chưa hết kinh ngạc với cách dùng từ quá đỉnh cao của tác giả. Hi vọng sẽ được gặp và nói chuyện với Thành một lần trong đời.
Mình dịch hơi dở, nên nếu bạn có góp ý gì, hãy để lại dưới phần bình luận cho mình nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều!
*Lời giới thiệu của Tạp chí Atlantic*
Tư duy phản biện không được cổ vũ trong các trường học ở Việt Nam hiện nay. Nhưng, 1 học sinh đã chỉ ra rằng đang có 1 trào lưu đáng khích lệ trong những người trẻ, đi tìm những góc nhìn khác ở khắp thế giới.
Cuộc thi viết thường niên lần thứ 2 dành cho học sinh, tổ chức bởi Tạp chí Atlantic và Hội đồng các trường đại học đã thử thách những học sinh trung học bình luận về một tác phẩm nghệ thuật đã tác động sâu sắc đến họ. Hơn 2000 học sinh từ 44 quốc gia đã tham gia. 24 giáo sư nghiên cứu về tác phẩm và lịch sử nghệ thuật đã lựa chọn ra 20 ứng cử viên vào vòng trong, và một ban giám khảo gồm các thành viên từ Hội đồng các trường đại học và Tạp chí Atlantic là những người đưa ra kết quả cuối cùng. Người thắng cuộc, Nguyễn Tiến Thành, sống ở Hà Nội, Việt Nam, và sẽ theo học tại Đại học Duke mùa thu này.
—
Nội dung bài viết
Aristotle thuộc về trái đất, còn Plato thì lại thuộc về thế giới khác. Những nhà tư tưởng kia thì không phải tu sĩ, nhưng kiểu kiến trúc trong tranh thì là của Đạo Cơ đốc. Những nghệ sĩ tài giỏi nhất của thời kì Thịnh Phục Hưng (High Renaissance) như Michelangelo, Leonardo, Bramante – hoà vào với những khối óc vĩ đại của Hi Lạp cổ đại. Ánh sáng tràn ngập bức bích hoạ trên trần, ánh sáng của một thời kì cổ điển xưa cũ đang thức tỉnh, của những người nghệ sĩ nhân văn, của sự hoà hợp giữa trí tuệ và tâm hồn. Ban đầu, tôi đã tin rằng tác phẩm Trường học của Athens chỉ có thể được xem như là sự tìm lại hào quang của những giá trị truyền thống phương Tây cổ đại bởi người Châu Âu ở thời kỳ Phục Hưng. Và điều gì sẽ là giá trị mà nó mang lại cho một người như tôi, được nuôi lớn ở một khoảng thời gian, một nền văn hoá và một hệ thống giáo dục khác biệt hoàn toàn về căn bản? Tuy nhiên càng nghiên cứu thêm, thì tôi nhận ra những bức hoạ đại diện cho một tiêu chuẩn về việc học, một điều quen thuộc như hơi thở: không ngừng nghỉ, không do dự phê phán, vượt qua mọi rào cản vật lý, văn hoá và mọi quy tắc luật lệ. Vang vọng từ Athens cổ đại, qua Italia thời kỳ Phục Hưng, cho đến Hà Nội hiện đại ngày nay, nơi tôi đang sống, lý tưởng được mô tả trong Trường học của Raphael đã cưu mang cho niềm hi vọng rằng, mặc cho những ngăn cấm của văn hoá và chính trị, tình yêu với tri thức sẽ luôn chiến thắng.
Cái tên “Trường học của Athens” là một cách dùng từ “sai”, che đi tầm nhìn khoáng đạt của Raphael về sự học. Phủ lên bức hoạ được vẽ vào khoảng giữa năm 1509 và 1511 dưới sự chỉ đạo của Giáo hoàng Julius II, là câu “Causarum Cognitio”, có nghĩa là “Tìm kiếm tri thức của những điều chính nghĩa”. Với câu nói đó, Raphael dường như muốn nói rằng cái hợp nhất những nhân vật kia, không phải một thể chế hay uy thế, mà là sự truy tìm tri thức và sự thông thái giữa họ (“biết tại sao”, như Aristotle nói). Tác phẩm không hẳn là một sự ca ngợi những nhà tư tưởng vĩ đại cổ xưa mà chính nó là một lời tán dương của quá trình học hỏi.
Raphael truyền đạt đời sống của những khối óc thông qua những hành động hình thể. Ngày nay, chúng ta có xu hướng coi ý đồ về sự gắn bó về tri thức này là đương nhiên; tuy vậy, quay trở lại những năm đầu thế kỷ 16, thì đó là một cuộc cách mạng. Theo Glenn W. Most và tác phẩm “Reading Raphael: The School of Athens and Its Pre-Text,”, theo truyền thống về sự nhân hoá 7 bộ môn giáo dục thời Trung cổ đối với hội hoạ & triết học, thường có sự hiện diện của một người phụ nữ lý tưởng cùng với những nhà tư tưởng là nam đứng ở sát sườn. Ám chỉ truyền thống này dùng cách vẽ một quý bà ngồi trên ngai vàng lên bức phù điêu tròn phía trên bức bích hoạ, nhưng Raphael đã tách biệt hẳn bà ấy với khung cảnh ở trung tâm, cho phép Plato và Aristotle chiếm ưu thế. Trong khi những học giả tập trung vào sự đối nghịch và cân bằng giữa Plato và Aristotle – mọi thứ từ cử động của bàn tay đến màu sắc quần áo của họ – điều ấn tượng nhất đối với tôi chính là quyết định của Raphael khi không nhấn mạnh vào một hiện thân lý tưởng của tri thức, mà là những con người bình thường đang chìm đắm trong quá trình tìm kiếm tri thức qua diễn giải và tranh luận.
Kỳ thực, trong khi tìm thấy niềm vui ở việc nhận biết từng nhân vật, tôi đã bất ngờ bởi tính đa nguyên và phổ quát ở tầm nhìn của Raphael về việc học. Bằng cách nào đó, chỉ 1/3 những nhân vật đến từ Athens cổ đại, những người còn lại sống rất xa cả về không gian lẫn thời gian. Raphael thậm chí còn thêm cả những nhà lý tưởng không thuộc về kinh điển Phương Tây, như Zoroaster – một nhà tiên tri đến từ Ba Tư cổ đại, và Averroës, một học giả Hồi giáo thời trung cổ, và là một người ủng hộ của Triết học Aristotle.
2 nhân vật này đã thách thức sự hiểu biết chung rằng những nhà triết học có thể được chia tách rõ ràng giữa trục Duy vật – Duy tâm theo Plato và Aristotle. Averroës là một nhà vật lý, thầy thuốc và nhà thiên văn học, dẫu vậy ông được đặt vào vị trí ở phía Plato – chủ nghĩa duy tâm, và đang hỏi ý kiến của Py-ta-go, một người thường được gán với chủ nghĩa thần bí. Tương tự thì Zoroaster, người trông như là nhà chiêm tinh đang cầm trên tay quả cầu vũ trụ (thiên cầu), đại diện cho việc thực nghiệm nghiên cứu những vì sao và hành tinh để tiên đoán những vấn đề của loài người – và bởi vậy, một sự hoà trộn giữa nghiên cứu bầu trời – mặt đất. Tất cả những điều kể trên, dường như là để thừa nhận hoàn toàn rằng linh hồn của việc học hỏi, là vượt qua mọi rào cản về thời gian, địa lý, văn hoá và kỷ luật.
Dù sự tưởng tượng về sự học ấy thật truyền cảm hứng, tôi vẫn tự hỏi rằng những người xem sẽ ở đâu trong đó? Liệu chúng ta có chỉ đơn giản là ngước nhìn và ngưỡng mộ những nhân vật vĩ đại ấy bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ để theo đuổi tri thức? Robert Haas, trong tác phẩm “Raphael’s School of Athens: A Theorem in a Painting?” đã đưa ra một câu trả lời cực sáng tỏ: Raphael đã vẽ ở đây không phải một cuộc họp mặt lịch sử, mà là một bộ sưu tập thư viện thời Phục Hưng”. Theo Haas, những nhà triết học là hiện thân cho những cuốn sách của họ. Tôi thấy cách diễn giải này thật sâu sắc, bởi bức hoạ được vẽ trên tường của Stanza della Segnatura, thư viện riêng của Giáo hoàng. Và nó cũng gián tiếp nói lên một chân lý của việc nghiên cứu những cuốn sách cổ điển. Để dựng nên những triết gia vĩ đại, Raphael đã sử dụng nghệ thuật ảo giác – một kỹ thuật để làm cho nhân vật như đang ở cùng trong một căn phòng với người xem. Vì lẽ đó, người xem không chỉ là một người quan sát bị động những tri thức được bảo tồn gìn giữ, mà là một người tham gia vào trong những cuộc hội thoại nối dài qua các quốc gia và qua nhiều thế kỷ.
Với cách hiểu đó trong đầu, tôi đã xem bức hoạ của Raphael như một lời mời gọi kết nối với những tư tưởng vĩ đại từ quá khứ – để học hỏi từ họ hay đặt câu hỏi về tư tưởng của họ. Không may rằng, một lời mời như thế đã bị từ chối rất nhiều bởi học sinh tại Việt Nam. Ở đây, sự kìm hãm ý thức hệ trong nền giáo dục hiện đại cùng với thực tế học vẹt có từ lâu đã dẫn đến sự nghiên cứu hạn hẹp về những ý tưởng trong phạm vi chật chội. Ví dụ như, trong những tiết học bắt buộc về giáo dục công dân, “Triết học” chỉ được giới thiệu là chủ nghĩa Mác – Lênin. Những tư tưởng được truyền dạy hình như không phải dành cho nghiên cứu phản biện nhằm xây dựng đất nước, mà chỉ thúc đẩy một thế giới quan đơn lẻ.
Nhưng thay vì cảm thấy tiêu cực, tôi được thôi thúc bởi ý niệm rằng Trường học của Athens đại diện cho một thư viện cá nhân, bởi nó gợi mở rằng nếu chúng ta nhận thức được cần phải từ bỏ những thói quen từ giáo dục chính thống của nhà trường, và nỗ lực để trở thành những nhà lý luận độc lập, gắn bó với sách vở, thì chúng ta có thể đạt được sự thông thái chân chính. Hơn nữa, bối cảnh lịch sử của bức hoạ cho tôi hi vọng rằng trong tương lai, sự theo đuổi tri thức ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Cũng như cách mà sự hưng thịnh và dồi dào về thời gian đã tạo cơ hội cho người Athens cổ đại suy ngẫm về những tư tưởng cao cả, cũng như sự giàu có về của cải nhờ giao thương đã đánh dấu cho một thời kì thịnh vượng của nước Ý thời Phục Hưng, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế có thể sẽ thay đổi bối cảnh tri thức của Việt Nam. Sẽ có thêm càng nhiều hơn các cá nhân theo đuổi con đường giáo dục và làm việc ở nước ngoài, và rồi đưa về những quan niệm và phương pháp học tập mới cho thế hệ trẻ. Sự tăng lên về số lượng những người học ngoại ngữ cũng đồng nghĩa rằng sản phẩm của càng nhiều hơn những triết gia sẽ được dịch, được xem xét và thảo luận kỹ lưỡng. Dù còn rất nhiều công việc cần làm, nhưng việc nhìn thấy những tổ chức về tranh luận, những cộng đồng về giáo dục thực nghiệm đang xuất hiện, quả là dấu hiệu đầy hứa hẹn. Ví dụ như ở Hà Nội, một tổ chức không chính thức được gọi là Mạng lưới liêm chính đã tập hợp một nhóm những nhà lý luận và sinh viên trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn để tạo ra Reading Circle Vietnam (“Vòng tròn hiểu biết Việt Nam”) – nơi mà những người tham gia sẽ thảo luận về sách, và tranh luận với những chuyên gia trong những chủ đề rất đa dạng. Những câu hỏi được đề ra càng ngày càng táo bạo, về những chủ đề từ nền dân chủ cho tới quyền tự do cho tới nữ quyền hay giá trị của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, và thôi thúc những quan điểm trái chiều. Dù vẫn ở phạm vi nhỏ, những sáng kiến này dường như đã khai phá cho một xu hướng mà tôi cảm thấy vui sướng khi là một phần trong đó.
Dấu hiệu khả quan này cho thấy này, thay vì cứ vô tri tiếp thu những góc nhìn đơn thuần, thì càng có nhiều hơn những bạn trẻ Việt Nam hứng thú tìm hiểu những góc nhìn khác biệt từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở khía cạnh lịch sử và chính trị. Hơn thế, chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều trong việc mở rộng lý tưởng của Raphael về tư duy phản biện trong chúng ta bằng những nỗ lực mở mang trí tuệ. Ví dụ như gần đây, những thành viên của một câu lạc bộ gồm những học sinh, sinh viên hứng thú với quan hệ quốc tệ, trong đó có cả tôi, đã bắt đầu tìm hiểu về những công việc của Henry Kissinger. Chúng tôi ngưỡng mộ những chính sách thực dụng đầy hiệu quả và sự thể hiện đầy cao thượng của ngoại giao Hoa Kỳ. Thực vậy, có nhiều điều để học hỏi từ nỗ lực của Kissinger để kết thúc Chiến tranh Việt Nam và bình thường hoá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dù vậy, dựa trên những nghiên cứu sâu hơn, tôi thấy băn khoăn khi không hề có tranh luận hoặc thậm chí là sự hiểu biết về những điều Kissinger đã làm (một vài nhà phê bình đã gọi đó là những tội ác chiến tranh) như ủng hộ nổ bom bí mật tại Cam-pu-chia, tàn sát ở nơi đã từng là miền Đông Pakistan, và đàn áp chế độ ở Châu Mỹ Latinh. Và dường như vẫn còn tồn tại xu hướng thừa nhận quyền thế của “những ý tưởng vĩ đại” nên thay vì cẩn thận xem xét thì chúng ta chỉ đơn giản là tôn sùng những suy nghĩ của ông ấy. Cách tiếp cận ấy của chúng ta vẫn còn rất xa so với những gì đã được lưu danh trong bức hoạ của Raphael.
Bài học sâu sắc nhất mà tôi học được từ tác phẩm “Trường học của Athens” đó là, những lý luận gia vĩ đại không ở đó để chúng ta tôn trọng một cách không hoài nghi, mà hơn hết là để chúng ta nghi ngờ một cách đầy tôn trọng. Với tôi, tác phẩm này có sức mạnh dài lâu bởi nó nhắc nhở tôi rằng dù dưới hoàn cảnh của đất nước mình, những cá nhân yêu thích sự học vẫn có thể tiếp tục với lý tưởng mà nó gửi gắm. Tinh thần phổ quát của tự do học thuật và tư duy phản biện không thể bị khuất phục, và trong lúc mong chờ được nhìn ngắm bức tranh trực tiếp vào một ngày nào đó, tôi sẽ luôn mang theo Ngôi trường Athens của riêng mình đến bất kì đâu mà khát khao tri thức của tôi dẫn lối.