Cuối năm 2019, cả thế giới xôn xao bởi câu chuyện về tác phẩm nghệ thuật của Maurizio Cattelan mang tên “Diễn viên hài” (Comedian). Đó là một quả chuối được dán lên tường bằng băng keo màu xám, và đã được bán với giá 120.000 USD (tương đương gần 3 tỉ VNĐ). Và còn hài hước hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật này đã bị một nghệ sĩ người Mỹ khác là David Datuna, gỡ ra khỏi tường và bóc ăn ngon lành. Người nghệ sĩ này sau đó còn phát biểu trong 1 buổi họp báo rằng việc anh ta ăn quả chuối cũng chính là một màn biểu diễn nghệ thuật có tên là “Người nghệ sĩ đói bụng” (Hungry Artist). Và anh ta thấy việc làm ấy không hề có lỗi, nó chỉ thú vị và ngầu, như ý nghĩa của nghệ thuật vậy. Sau khi quả chuối bị ăn mất, người chủ phòng trưng bày đã thay vào đó 1 quả chuối khác và khẳng định tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị của mình, vì ý tưởng của tác phẩm mới chính là điều quan trọng nhất.

Quả thực rất khó để có thể định nghĩa được nghệ thuật. Tác phẩm “Diễn viên hài” kể trên không phải là thứ đầu tiên khiến chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, liệu nghệ thuật là gì?

Năm 1917, nghệ sĩ Marcel Duchamp đã mua 1 chiếc bồn tiểu đứng của nam được sản xuất thương mại, ký tên mình vào đó và đặt tên là “Đài phun nước” (Fountain). Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu đó có được coi là nghệ thuật hay không? Một nhà triết học người Canada đã nói, Duchamp bằng việc gửi gắm vào chiếc bồn cầu của mình, đã đến một thông điệp rất rõ ràng rằng, Nghệ thuật là thứ để bạn đái lên. Sự phản nghệ thuật hay trò cợt nhả ấy đã có sức ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến mức khai sinh ra một hình thức nghệ thuật mới mang tên Nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art).

Năm 1961, Piero Manzoni công bố tác phẩm “Chất thải của nghệ sĩ” (Artist’s shit), gồm 90 hộp thiếc, bên trong mỗi hộp là 30 gam phân. Tác phẩm được cho rằng là để nhằm mục đích nhạo báng chủ nghĩa tiêu dùng và sự lãng phí của nó. Vào năm 2016, 1 hộp trong số 90 hộp của Artist’s shit đã được bán với giá 275.000 Euro (tương đương khoảng 7 tỉ VNĐ). Tác phẩm này dù có hay không giá trị nghệ thuật thì nó cũng không phải tác phẩm độc bản khi có tới 90 tác phẩm tương tự được tạo ra và quả là quá khó để giải thích cho giá trị khủng khiếp của chiếc hộp chứa phân này.

Nghệ thuật hiện nay đã được mở rộng cả về tư tưởng và cách thể hiện, khi có rất nhiều trường phát và phong trào nghệ thuật ra đời để tái định nghĩa lại nghệ thuật hiện đại. Và đương nhiên đi kèm theo đó là sự phình to của thị trường mua bán nghệ thuật – một thị trường sôi động không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ và những người thưởng thức nghệ thuật nữa. 

Với giới hạn vô biên của chính nó, việc định nghĩa nghệ thuật có thể nói là một điều không thể. Chỉ có chính bạn, là người phải tự mò mẫm trong mê cung đầy sương mù ấy, để tự tìm ra con đường tới thứ nghệ thuật mà mình có thể thấu cảm.

Và trên đường đi tìm, bạn có thể sẽ nhận ra rằng điều bạn cần là một cánh cửa để trốn thoát!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *