Hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người về bộ phim mà mình vừa được xem trong buổi học chiều nay. Tựa đề phim là “The long way home”, dịch ra tiếng việt là “Đường về nhà” (hay Đường về gian nan).
Đây là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc, ra mắt năm 2015. Bộ phim nói về tình người trong chiến tranh mà cụ thể là tình bạn không thể ngờ đến giữa một người lính Bắc Hàn và một cậu học viên quân binh Triều Tiên trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên những năm 1950.
Bộ phim tuy nói về chiến tranh nhưng được lồng ghép vào những yếu tố hài hước rất mượt mà và không phản cảm (dù có làm cho cảm xúc bị hơi lẫn lộn đôi chút). Cốt truyện khá là dễ đoán nhưng vẫn đẩy được cảm xúc của người xem chứ không bị nhàm chán.
Với một người dễ xúc động như mình thì đã bắt đầu khóc từ giữa phim khi cảnh phim quay về cuộc chia li giữa người mẹ và cậu con trai duy nhất còn sống trong số 8 người con của bà, để anh tiếp tục ra chiến trường như những người anh đi trước. Hay cảnh một người lính bị bắt phải ra chiến trường khi còn chưa kịp nhìn mặt đứa con sắp chào đời.
Bộ phim gợi lên những cảm xúc mãnh liệt về cuộc chiến tranh đã từng diễn ra trên chính mảnh đất của Tổ quốc mình: Việt Nam. Cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm trời, lấy đi mạng sống của hàng triệu con người. Có những ước mơ, những hoài bão, lý tưởng đã mãi mãi nằm xuống. Chiến tranh là nỗi đau, là sự bất hạnh của mọi dân tộc. Dù những thế hệ người lính lần lượt ra chiến trường, chiến đấu và hi sinh vì lý tưởng cao cả hơn cả mạng sống của mình, vì Tổ quốc, thì họ vẫn chỉ là những con người bằng xương, bằng thịt. Những mất mát ấy là những vết thương ăn sâu vào lòng mỗi người con đất Việt, mỗi khi nghĩ về.
Và có phải vì thế mà cái kết của tất cả những bộ phim về chiến tranh mà mình từng xem đều mang đến suy nghĩ về niềm tin. Có phải bởi hiện thực chiến tranh quá tàn khốc mà con người phải không ngừng hi vọng?